“Cần có sự kiểm duyệt chất lượng của những thiết bị vệ sinh như sen, vòi để đảm bảo chắc chắn rằng con người không bị phôi nhiễm các hợp chất kim loại từ nguồn nước chảy qua thiết bị vệ sinh”. Đó là khẳng định của PGS BS Triệu Triều Dương.
Đã có nhiều nghiên cứu khoa học cũng như cảnh báo của các cơ quan chức năng về những nguy cơ nhiễm bệnh của con người khi sống trong môi trường ô nhiễm. Đây là những nguy cơ có thể nhìn thấy rõ và cảm nhận được một cách thông thường, nhưng có những nguy cơ nhiễm bệnh là cả quá trình tích lũy dần những độc tố trong cơ thể người bệnh kéo dài trong thời gian vài năm.
Tôi xin lấy ví dụ, mỗi lần thay đường ống dẫn nước, sen, vòi ở nhà, cơ quan hay bất cứ nơi nào có sử dụng những vật dụng này, quan sát biểu hiện phía bên trong của những vật dụng cho thấy một màu đen ngòm, bề mặt ống sùi lên trông rất đáng sợ. Điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người bởi với áp lực của dòng nước, khi thiết bị vệ sinh không sản xuất từ vật liệu đã kiểm nghiệm và thử độ an toàn với sức khỏe con người, những yếu tố vi lượng như chì, antimin hay asen sẽ tích lũy dần trong cơ thể con người thông qua việc tắm rửa, vệ sinh hằng ngày.
Rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám tại khoa của chúng tôi với các triệu chứng đau dạ dày, nôn mửa, mệt mỏi, nhức đầu, suy giảm sức khỏe… cứ đổ lỗi cho dạ dày, nhưng khi kiểm tra là do nguyên nhân nhiễm độc chì. Nhiễm độc chì là do quá trình tích lũy theo thời gian, còn thông thường chì sẽ được thải trừ qua thận. Do đó, tôi cho rằng trong công tác phòng chống bệnh nói chung, cần quan tâm đúng mức đến những vấn đề thông thường có thể trở thành nguồn cung cấp những kim loại nặng có độc hại cho cơ thể, như các loại đường dẫn nước, vòi, sen,… gây ra tích lũy các yếu tố vi lượng trong cơ thể rất nhanh, rất thường xuyên và liên tục, khi chúng ta biết bệnh nhờ có triệu chứng thì đã muộn, rất khó khắc phục.
Việc xác định sản phẩm được phép đưa vào sử dụng cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng này là phải liên ngành, trong đó phải có Ngành Y tế với chức năng tham gia kiểm duyệt để định lượng, đánh giá chất lượng sản phẩm. Nếu như chỉ đánh giá dựa trên xét nghiệm không thôi thì không đủ, bởi thực tế sản phẩm được mạ theo phương pháp nào, phôi đồng chứa bao nhiêu phần trăm chì hay các tạp chất khác, phải được kiểm duyệt chặt chẽ và đưa ra quy định cụ thể.
Trước mắt, khi chưa có một quy chuẩn cụ thể về chất lượng sen, vòi, chúng ta cần căn cứ vào những tiêu chuẩn quốc tế để áp đặt lên các sản phẩm được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam. Nếu như hiện nay chúng ta đã đưa ra mức độ cho phép của chì có trong sữa là bao nhiêu, thì việc sử dụng vật liệu để sản xuất sen, vòi cũng cần phải đưa ra một tiêu chí nhất định, áp dụng trong khung chuẩn, tránh tình trạng hàng rởm, hàng kém chất lượng ra vào bằng con đường tiểu ngạch, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân.
Đối với người dân, người bệnh, chúng tôi khuyến cáo hết sức thận trọng khi sử dụng các sản phẩm có tần suất và mức độ sử dụng hằng ngày, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mà mắt thường không dễ nhận ra. Một mẫu hàng không có thông số kỹ thuật cụ thể và không có thương hiệu bảo đảm thì không nên sử dụng.