Có bao nhiêu vi khuẩn đang lẩn khuất trong phòng tắm nhà bạn?

Bồn cầu và bồn rửa rõ ràng là những nơi có thể che giấu nhiều chất bẩn nhưng hẳn bạn sẽ rất sốc khi biết rằng, bàn chải đánh răng của mình còn nhiều vi khuẩn hơn cả nắp ngồi bồn cầu.

Chẳng thể nào tránh được, phòng tắm nhà bạn là nơi chất đầy vi khuẩn. Cho dù có kỳ công lau chùi, dọn dẹp kỹ lưỡng tới mức nào, bạn cũng không thể đảm bảo phòng tắm sạch bong. Nhưng chắc chắn, có một số vị trí bạn cần đặc biệt lưu tâm.

Có thể bạn sẽ nghĩ ngay đến bồn cầu hoặc sàn nhà. Nhưng theo một cuộc điều tra mới đây, nơi đáng sợ nhất lại chính chiếc bàn chải đánh răng của bạn, tiếp theo là bồn tắm.

Để giúp bạn định vị những điểm nóng về vi khuẩn và giữ cho phòng tắm của mình ở trạng thái sạch sẽ nhất có thể, công ty chuyên thiết kế phòng tắm Soakology đã sử dụng bản đồ nhiệt nhằm phát hiện nơi nào trú ngụ nhiều vi khuẩn nhất.

Kết quả là, loại vi khuẩn thường gặp nhất ở bất cứ phòng tắm nào có tên bacteroidaceae hay còn gọi là vi khuẩn từ phân, E.coli, streptococcus và salmonella. Chúng ta thường xuyên tiếp xúc với những vi khuẩn này hàng ngày, không chỉ trong phòng tắm. Vậy nên, cách tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan của chúng là chăm chỉ rửa tay.

Mặc dù tất cả những số liệu này nghe có vẻ thật đáng sợ, nhưng bạn đừng vội hét lên khi bước vào phòng tắm. Không phải mọi loại vi khuẩn đều gây hại. Trên thực tế, vi trùng chiếm một phần đáng kể trong cơ thể con người.

Philip Tierno, giám đốc khoa miễn dịch học chẩn đoán và vi trùng học lâm sàng tại Bệnh viện Tisch, Trung tâm Y tế Đại học New York, cho biết: “Có nhiều vi trùng hơn tế bào cơ thể trên cơ thể người, cụ thể là gấp 10 lần. Do đó, 90% tổng số tế bào trên cơ thể thực ra là tế bào vi trùng. Chúng ta không thể sống trong bong bóng và tránh vi trùng được”.

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), điều quan trọng là c thể chúng ta có sự cân bằng thích hợp khi tiếp xúc với vi trùng tốt và xấu trong môi trường hàng ngày để đảm bảo hệ miễn dịch được tập huấn đủ nhằm ứng phú với các loại bệnh tật khác nhau.

1. Bồn cầu

Đây có thể xem là thiên đường của các loại vi trùng trong phòng tắm. Nhưng xét về khía cạnh vi khuẩn, thí nghiệm cho thấy mức độ tập trung vi khuẩn khác nhau ở cần giật nước, nắp ngồi và bản thân bồn cầu.

Không có gì ngạc nhiên khi sâu bên trong bồn cầu là nơi trú ngụ của 3,2 triệu vi khuẩn trên mỗi inch vuông (1 in2 = 6.4516 cm2). Tuy nhiên, nếu tính số lượng vi khuẩn bạn tiếp xúc trực tiếp, cần giật nước bồn cầu, nắp ngồi bồn cầu chưa hẳn đã giành ngôi vương trong phòng tắm.

Trung bình, nắp ngồi bồn cầu được bao phủ bởi 295 vi khuẩn/in2. Cần giật nước là nhà của khoảng 83 vi khuẩn/in2. Do đó, ghi nhớ rửa tay mỗi lần đi vệ sinh là điều cực kỳ quan trọng.

2. Bàn chải đánh răng

Người ta có thể cho rằng kết quả đáng sợ nhất của cuộc điều tra này chính là bàn chải đánh răng – thứ bạn cho vào miệng mỗi ngày – “ngậm” đầy vi khuẩn. Trên mỗi in2, chiếc bàn chải có thể chứa ít nhất 200.000 vi khuẩn – nhiều hơn cả nắp ngồi bồn cầu.

Theo một nghiên cứu trước đó do Đại học Manchester tiến hành, bàn chải đánh răng là nơi ở của vi khuẩn straphylococci và E.coli. Nhưng bạn không cần hốt hoảng bởi vì nó vẫn chứa ít vi khuẩn hơn khoang miệng của bạn. Phần lớn vi trùng tồn tại sẵn trong miệng. Do đó, bạn có thể không bị ốm vì chúng.

Nhưng nếu lo lắng, hãy đảm bảo rằng bạn bảo quản bàn chải đánh răng ở nơi mà chúng sẽ khô nhanh giữa các lần sử dụng và thay thế chúng thường xuyên. Bạn sẽ không bao giờ liếm nắp ngồi bồn cầu. Vậy chẳng có lý do gì lại đưa một chiếc bàn chải đánh răng bẩn thỉu vào miệng.

3. Vi khuẩn trong không khí phòng tắm

Một số vi khuẩn có thể được giải phóng ra phòng tắm của bạn chỉ qua động tác bạn giật cần xả nước bồn cầu.

Một nghiên cứu năm 2013, đăng tải trên tạp chí Prime, cho thấy, khi bạn xả nước bồn cầu, những vi trùng mang mầm bệnh tiềm ẩn có thể được giải phóng vào không khí. Một số loại lưu lại trong không khí dưới dạng giọt nhỏ, một số khác bám trên các bề mặt. Tuy nhiên, nghiên cứu này nhấn mạnh rằng, không có bằng chứng thuyết phục về vai trò của chúng trong việc làm lan truyền bệnh truyền nhiễm hay bệnh tật.

Cách tốt nhất để tránh những vi trùng gây hại toả ra trong phòng tắm nhà bạn là đóng nắp bồn cầu khi bạn xả nước.

4. Bồn tắm

Lại là một lâu đài vi khuẩn hiển nhiên mà bạn biết trong phòng tắm, nhưng điều bạn có thể không biết là bồn tắm bẩn hơn thế nhiều. Cả gia đình bạn tắm trong đó, vậy nên, nơi đây ngập tràn vi trùng. Chỗ bẩn nhất của bồn tắm là nắp xả nước. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì nước mang theo vi khuẩn sẽ thoát qua lỗ này. Trung bình, nắp xả nước bồn tắm chứa 120.000 vi khuẩn/in2.

Một điểm đáng lưu ý khác là không chỉ bản thân bồn tắm chứa vi trùng. Các kẽ trát vữa giữa những viên gạch lát bồn tắm cũng là nơi yêu thích của vi khuẩn. Vì vậy, bạn đừng quên kỳ cọ chúng vào lần dọn dẹp tới.

5. Sàn phòng tắm

Thật bất ngờ, sàn phòng tắm không hề bẩn như bạn nghĩ. Tất nhiên, bạn cũng không thể lơ là làm vệ sinh cho mặt sàn. Trung bình, sàn phòng tắm có 764 vi khuẩn/in2.

6. Bề mặt phòng tắm

Ngay cả những bề mặt mà bạn có thể thường xuyên lau chùi cũng không hề an toàn. Bàn cầu phòng tắm chứa 452 vi khuẩn/in2. Điều này có nghĩa là mọi thứ bạn đặt trên bàn cầu phòng tắm đều sẽ bám vi khuẩn.

Do đó, thưa các quý cô, việc trang điểm không nên thực hiện tại đây. Hẳn điều cuối cùng bạn muốn là kết hợp phấn nền với chút vi khuẩn tạo điểm nhấn.

7. Bồn rửa

Bạn đi vệ sinh, sau đó, rửa tay. Vi trùng từ tay bạn được rửa trôi trong bồn rửa phòng tắm. Dù với loại xà phòng rửa tay, bạn hi vọng sẽ giết được chúng trên tay mình, chúng vẫn ở lại và thối rữa trong bồn rửa. Đây chính là nơi chứa 2.733 vi khuẩn/in2.

8. Vòi nước

Bạn chạm vào vòi nước trước và sau khi rửa tay. Do đó, bạn đã truyền vi trùng lên vòi nước mỗi lần sử dụng.

Chúng thực sự có tới 6.267 vi khuẩn/in2. Nhiều hơn so với số vi khuẩn bạn có thể phát hiện ra ở bồn rửa.

9. Công tắc đèn

Đúng thế, thiết bị bé nhỏ này cũng không hề sạch chút nào. Nó có thể được bao phủ bởi 217 vi khuẩn/in2.

Hoàn toàn có thể lý giải độ sạch của công tắc đèn phòng tắm: Bạn tiếp xúc với vi khuẩn từ mọi bề mặt bạn chạm vào trong phòng tắm, ngay cả khi bạn rửa tay. Do đó, khi bật tắt đèn, bạn cũng đã truyền vi khuẩn sang thiết bị này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *