Tại sao người Nhật không xây toilet chung trong nhà tắm?

Người Nhật quan niệm nhà vệ sinh là nơi chuyên nhận những chất bẩn, là nơi bài tiết, do vậy cần tách riêng với khu vực tắm rửa – nơi luôn cần sạch sẽ.

Không có chuyện nhà tắm và nhà vệ sinh ở Nhật Bản dồn vào một chỗ như ở Việt Nam. Nếu có, đó chắc hẳn là những ngôi nhà đã được xây dựng từ rất lâu mà không có điều kiện sửa chữa.

Ở Nhật, nhà tắm thật sự là chốn thiên đường, thơm tho, sạch sẽ, ấm áp và đầy đủ tiện nghi mà bất cứ ai cũng muốn bước vào.

Nếu chúng ta từng đọc một bài nghiên cứu chỉ ra sự thật rùng rợn là có vô số phân tử phân người bám vào bàn chải đánh răng trong nhà vệ sinh all-in-one (nhà tắm + toilet), thì các bạn có thể gật đầu đồng ý ngay với chuyện người Nhật tách riêng hai phòng này ra là quyết định đúng đắn.

Các bồn cầu của Nhật đều rất tối tân và hiện đại, hơn 80% gia đình Nhật đều trang bị loại bồn cầu này. Chúng có hệ thống phun rửa, sưởi ấm, phát nhạc… tự động.


Toilet ở Nhật rất hiện đại với đủ thứ nút bấm.

Khi đi vệ sinh, người ta sẽ không cần phải dùng giấy vệ sinh để chùi sạch mà chỉ để dùng chùi cho khô nước (được tự động phun rửa khi ngồi bồn cầu).

Chính vì vậy, giấy vệ sinh ở Nhật rất mềm, mỏng và mịn, tan cực nhanh trong nước. Người Nhật luôn cảm thấy khó hiểu khi tại sao các loại giấy vệ sinh của nước ngoài lại cứng và dày như vậy.

Dĩ nhiên, hiện đại luôn hại điện, những nhà vệ sinh kiểu này buộc phải được giữ khô ráo vì yêu cầu an toàn, tránh bị điện giật do có thiết bị chạy điện thường xuyên.

Cũng nói thêm một điều là vì toilet luôn khô ráo nên người Nhật rất thích trang hoàn toilet thật sinh động, vui tươi hay thậm chí là vô cùng độc đáo với cây cối, cờ quạt, kệ sách báo, đồ trang trí…

Có điều nhà vệ sinh ở Nhật tuy hiện đại nhưng lại có diện tích khá nhỏ, chật chội. Chính vì vậy mà trên thị trường Nhật Bản cũng rất thịnh hành các sản phẩm khử mùi, tạo hương thơm mát nhà vệ sinh cực kì đa dạng và phong phú.

Như đã nói ở trên, người Nhật quan niệm nhà tắm là nơi cực kì sạch sẽ, đây cũng là nơi không chỉ để tắm mà còn để thư giãn, phục hồi thể chất, tinh thần.

Thậm chí, nếu để ý, bạn sẽ thấy trong phim còn đề cập khá nhiều đến việc người Nhật chọn nhà tắm làm nơi nói chuyện, hàn huyên hay bàn công việc.

Nhà tắm tách riêng cũng để các thành viên không phải tranh nhau sử dụng khi người này muốn đi toilet, trong khi người kia chỉ muốn đánh răng.

Khi vào nhà tắm ở Nhật, vòi hoa sen chỉ được dùng để tắm rửa qua loa, cọ rửa làm sạch sẽ thân thể bên ngoài trước khi ngâm mình vào bồn tắm (ofuro) – là thứ quan trọng nhất trong chuyện tắm rửa.

Ofuro luôn phải được giữ sạch sẽ, không được dây bẩn các loại nước xà bông, nước bẩn… vì nó được tái sử dụng nhiều lầm nhằm tiết kiệm nước.


Bồn tắm ofuro ở Nhật Bản

Nghĩa là một bồn nước tắm có thể được sử dụng ngâm người cho cả gia đình, người lớn trước người nhỏ sau (bởi vậy mới yêu cầu phải tắm, rửa thật sạch sẽ bằng vòi hoa sen ở bên ngoài rồi mới vào ngâm mình).

Đôi khi nước ngâm cơ thể xong còn được dùng làm các việc khác như lau nhà, giặt giũ nước đầu, rửa đường phố… Đó cũng là một lý do mà tại sao nhà tắm Nhật không thể chung với không gian toilet.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *